5 ca mắc Covid-19 thì có hơn 1 người bị tổn thương tim
Virus SARS-CoV-2 chủ yếu tấn công vào phổi. Tuy nhiên, các bác sĩ ngày càng ghi nhận thêm các ca mắc Covid-19 mà bên cạnh phổi, virus này còn âm thầm tấn công vào một cơ quan khác trong cơ thể là tim.
Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy virus SARS-CoV-2 không chỉ tấn công vào phổi mà còn có thể là “kẻ thù nguy hiểm” của tim. Ảnh: Shutterstock
Cứ 5 bệnh nhân mắc Covid-19 thì có hơn 1 người bị tổn thương tim tại Vũ Hán, Trung Quốc, một nghiên cứu trên tạp chí JAMA Cardiology ngày 27/3 đã chỉ ra điều này. Trong khi một số bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh về tim mạch thì có cả những người không có tiền sử bệnh tim. Như vậy, điều gì đã xảy ra khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể của một người?
Các bác sĩ chuyên khoa tim mạch đã tiết lộ về một số khả năng có thể xảy ra trong những trường hợp này: Tim mạch có lẽ đã phải cố gắng để bơm máu khi thiếu lượng oxy cần thiết và virus có thể đã trực tiếp xâm nhập vào tế bào tim mạch. Hoặc cũng có khả năng, trong quá trình cơ thể nỗ lực loại bỏ virus này đã huy động một “cơn bão” các tế bào miễn dịch tấn công vào tim.
"Chúng ta biết rằng đây không phải là virus duy nhất ảnh hưởng đến tim", bác sĩ Mohammad Madjid, giáo sư tại Trung tâm Khoa học sức khỏe ở Houston thuộc Trường Y McGovern, Đại học Texas cho biết. Chẳng hạn nguy cơ đột quỵ được cho là tăng gấp 6 lần khi 1 người nào đó bị nhiễm virus cúm, một nghiên cứu xuất bản năm 2018 trên tạp chí Y khoa New England cho biết.
Ngoài ra, trong hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm, nhiều bệnh nhân tử vong vì các vấn đề tim mạch hơn là viêm phổi, một bài báo xuất bản ngày 27/3 trên tạp chí JAMA Cardiology cho biết. Việc bị nhiễm virus có thể làm gián đoạn lượng máu lưu thông đến tim, gây nên tim đập bất thường hoặc suy giảm khả năng của tim.
Do vậy, theo các nhà nghiên cứu, việc virus SARS-CoV-2 có thể khiến tim bị tổn thương không phải là một điều bất ngờ. Điều đáng nói là virus này đang gây nên các vấn đề về tim mạch cho các bệnh nhân nhiều hơn các bệnh nhân nhiễm những virus khác, tác giả của nghiên cứu Madjid nhận định trên Live Science.
Tấn công trực tiếp và gián tiếp vào tim
Theo các chuyên gia, virus SARS-CoV-2 có thể tấn công trực tiếp vào tim.
"Chúng tôi đã xem xét các trường hợp không mắc các bệnh nền về tim mạch" nhưng đang bị tổn thương tim ở các bệnh nhân Covid-19, Tiến sĩ Erin Michos thuộc Trường Y Johns Hopkins cho biết. Tổn thương tim mạch không điển hình ở các ca mắc Covid-19 nhẹ và có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn ở các bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng và phải đưa tới bệnh viện", bà Erin Michos nhận định.
Mặc dù virus SARS-CoV-2 chủ yếu ảnh hưởng tới phổi nhưng virus này cũng di chuyển trong mạch máu và điều đó tức là SARS-CoV-2 có thể xâm nhập trực tiếp cũng như tấn công các cơ quan khác, bao gồm cả tim.
Cả bề mặt tế bào tim và tế bào phổi đều được bao phủ bởi các protein gọi là angiotensin-converting enzyme 2 (ACE2) - những phân tử này giống như "cánh cửa" để virus xâm nhập vào tế bào. Tuy nhiên, enzyme này là một "con dao 2 lưỡi", chuyên gia Michos cho biết. Một mặt, phân tử ACE2 hoạt động giống như cửa ngõ để virus xâm nhập vào tế bào và nhân lên nhưng mặt khác, nó cũng có chức năng "bảo vệ".
Khi các mô trong cơ thể bị phá hủy, hoặc là do các virus như SARS-CoV-2 xâm nhập hoặc do các nguyên nhân khác, cơ chế phản ứng chữa lành tự nhiên của cơ thể sẽ giải phóng các phân tử gây viêm, chẳng hạn như những protein nhỏ gọi là cytokine, vào mạch máu. Tuy nhiên, nếu có quá nhiều phân tử gây viêm, điều đó có thể khiến tình trạng cơ thể tồi tệ hơn. Enzyme ACE2 có vai trò như các phân tử kháng viêm, nhằm khiến các tế bào miễn dịch không gây tổn thương thêm đến các tế bào trong cơ thể.
Tuy nhiên, khi virus bám vào protein ACE2, những protein này sẽ không thể thực hiện nhiệm vụ của mình, do đó sẽ giảm khả năng sản sinh các phân tử kháng viêm bảo vệ. SARS-CoV-2 sẽ tận dụng để "bắn 1 mũi tên trúng 2 đích" khi vừa có thể trực tiếp phá hủy tế bào, vừa ngăn cơ thể bảo vệ các mô khỏi tình trạng viêm nhiễm.
"'Nếu các cơ tim bị viêm hoặc bị virus gây tổn thương, tim sẽ không thể thực hiện chức năng của mình", chuyên gia Michos cho biết.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, virus corona chủng mới cũng có thể gián tiếp làm tổn thương tim. Trong trường hợp này, hệ miễn dịch của bệnh nhân sẽ không thể hoạt động hiệu quả để bảo vệ cơ thể. Viễn cảnh này thường xảy ra ở các bệnh nhân ốn nặng có lượng protein báo hiệu tình trạng viêm trong cơ thể tăng cao. Hiện tượng này gọi là "cơn bão cytokine". Cơn bão Cytokine phá hủy các cơ quan trong cơ thể, trong đó có tim và phổi song các chuyên gia chữa rõ tại sao ở một số người sự phản ứng này lại mạnh hơn những người khác, dù một số trường hợp thì có thể là do gien.
Các bệnh nhân có các bệnh nền tim mạch là những người có nguy cơ trải qua các triệu chứng nghiêm trọng hơn khi mắc Covid-19 và có nguy cơ tử vong cao hơn.
"Bạn có thể tưởng tượng, nếu tim của họ khó có thể hoạt động bình thường, họ sẽ không đủ khả biên dịch năng để đối phó với bệnh dịch" khi không có đủ oxy bởi phổi đã không thể hoạt động tốt”, chuyên gia Michos nhận định. Vì thế, dịch Covid-19 có thể khiến bệnh nền tim mạch của các bệnh nhân tồi tệ hơn.
Một vấn đề phức tạp khác là những loại thuốc đang được nghiên cứu để điều trị Covid-19 hiện nay, trong đó có hydroxychloroquine mà Tổng thống Trump đề xuất, có thể gây tổn thương tim. Do vậy, mục tiêu hiện nay là tập trung nghiên cứu về việc liệu có nguyên nhân hóa sinh hoặc nguyên nhân về gen nào khác ở một số người có nguy cơ tổn thương tim khi mắc Covid-19 nhiều hơn so với những người khác hay không và tìm ra loại thuốc nào là hoạt động tốt nhất "để bảo vệ tim không bị tổn thương", bà Michos đánh giá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét